Để đảm bảo khả năng vận hành ổn định và tăng tuổi thọ cho động cơ, lựa chọn dầu nhớt phù hợp là việc rất quan trọng.
Dầu nhớt là loại dầu dùng để bôi trơn cho các động cơ. Đây là hỗn hợp bao gồm dầu gốc và phụ gia. Động cơ ô tô hoạt động tốt hay không đều phụ thuộc vào chất lượng của dầu nhớt. Dầu nhớt giúp chống hao mòn, động cơ bớt nóng, tăng tuổi thọ, giảm ma sát động cơ.
Xe sử dụng dầu nhớt tốt thì sẽ chạy êm, mượt và không bị hư hỏng nặng. Ngược lại, nếu sử dụng những dầu nhớt không phù hợp thì xe dễ bị xuống cấp một cách trầm trọng.
Lựa chọn dầu nhớt thế nào?
Trên thị trường có nhiều loại dầu nhớt, đa dạng từ thương hiệu đến giá thành. Để chọn được loại phù hợp, tốt nhất nên tham khảo chỉ dẫn của hãng sản xuất. Các thông tin này thường được ghi trong tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng. Trường hợp xe cũ không còn tài liệu hướng dẫn, chủ xe có thể tham khảo trên nắp động cơ, nơi châm dầu bôi trơn khi thay thế thường có ghi cấp độ nhớt (SAE) hay cấp tính năng (API) mà nhà sản xuất khuyến cáo.
Trên thực tế, nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu sai về cấp độ nhớt (SAE) hay cấp tính năng (API). Đây là hai tiêu chuẩn cơ bản cần phải hiểu và quan tâm khi chọn mua dầu nhớt:
Cấp độ nhớt (SAE)
Trên chai dầu nhớt có các ký hiệu như SAE 10W-30, 15W-40 và 20W-50, SAE 0W-40…Trong đó, chữ số đứng trước ký tự “W” dùng để chỉ khoảng nhiệt mà loại dầu đó có thể giúp động cơ khởi động, nhưng là tính ở nhiệt độ âm. Với khí hậu ôn đới thì khách hàng Việt không cần quan tâm tới thông số này.
Phần số sau ký tự “W” là điều cần quan tâm. Số này càng lớn thì dầu càng đặc, càng nhỏ thì dầu càng loãng. Do đó, nếu xe thường xuyên đi phượt thì nên chọn loại đặc vì chạy trên đường dài, máy sẽ nóng, dầu đặc lúc này loãng ra là vừa. Không nên chọn nhớt loãng vì sẽ gây ra hiện tượng “gào máy”.
Trường hợp xe chỉ sử dụng trong thành phố thì nên chọn loại nhớt loãng để xe dễ khởi động lại khi phải dừng, tắt máy nhiều lần trước đèn đỏ.
Cấp tính năng (API)
Đây là tiêu chuẩn để phân loại chất lượng của nhớt động cơ xăng và động cơ dầu. Các cấp chất lượng của API cho động cơ chạy xăng là SA, SB, SC, SE, SF, SG, API SN.
API cho động cơ dầu ký hiệu là CA, CB, CC, CD…Trong đó, chữ cái cuối nhằm phân biệt các cấp và được xếp theo bảng chữ cái. Chữ cái càng đứng sau thì biểu thị cho phẩm cấp càng cao hơn. Ví dụ phẩm cấp API SN thì cao hơn SM, SM cao hơn SL…
Để đáp ứng yêu cầu của các loại xe, chủ xe nên lựa chọn các cấp chất lượng càng cao càng tốt như API SL; SM hay SN cho động cơ xăng và API CH-4 hay CI-4 cho động cơ diesel.
Nguồn tham khảo :
- https://vtc.vn/cach-chon-loai-dau-nhot-phu-hop-nhat-cho-o-to-ar810478.html