Khoảng cách thế hệ ảnh hưởng đến quan hệ khắng khít giữa các thành viên. Vậy làm thế nào để dung hoà các thế hệ trong gia đình?
Mình sinh ra trong một gia đình Việt Nam gồm ba thế hệ chung sống. Là con út, từ bé mình đã chứng kiến những tranh cãi và bất đồng giữa các thế hệ. Giữa ông bà nội và bố mẹ, giữa bố mẹ và anh trai hơn mình mười tuổi, và rồi tự mình cũng đã trải nghiệm những bất đồng đó.
Trong cơn lửa giận của sự tranh cãi, bằng cách nào đó mỗi người trong cuộc đều tự làm tổn thương bản thân. Và sau khi cơn giận nguôi ngoai, mình tự hỏi điều gì đã khiến những người yêu thương nhau phải làm tổn thương nhau nhiều như thế?
Lý do mà mọi người thường hay dùng để giải thích cho những bất đồng trong gia đình là “tình yêu quá lớn” hay “khoảng cách thế hệ”. Nhiều người vịn vào đó để bình thường hoá tranh cãi trong gia đình, nhưng quên mất rằng nó có thể để lại hậu quả rất nặng nề.
Việc không xử lý tốt những mâu thuẫn trong gia đình có thể để lại hậu quả cho sự phát triển tâm lý của con trẻ, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình. Qua khảo sát 410 học sinh về mối quan hệ giữa các em với cha mẹ, có 367/410 em (81,2%) trả lời “có mâu thuẫn với cha mẹ”. Có 62% trong số đó nhận thấy đây là chướng ngại lớn trong việc hình thành tính cách và năng lực hoà nhập với xã hội của các em. Hơn thế nữa, những năm gần đây, không thiếu những vụ án giật gân khi nạn nhân và thủ phạm chính là thành viên trong cùng một gia đình.
Quay trở lại câu chuyện của mình, dù anh trai mình đã ở tuổi 30, đã lập gia đình và có con, nhưng vẫn cảm thấy khó duy trì một cuộc nói chuyện bình thường với bố mình. Những tổn thương trong quá khứ đã trở thành một vết sẹo khiến anh không thể tự tin giao tiếp với bố, mặc dù chúng mình đều biết bố rất yêu thương bọn mình, và bọn mình cũng yêu bố rất nhiều.
Thật ra những câu chuyện như trên không phải là những trường hợp cá biệt. Danh từ “Generation Gap” hay có nghĩa là khoảng cách thế hệ dùng để chỉ sự khác biệt về thái độ và cách sống giữa các thế hệ cách nhau từ 20-40 năm. Những từ ngữ này được sử dụng tại xã hội phương Tây vào thập niên 1960. Theo nghiên cứu, những lý do thật sự dẫn đến khoảng cách thế hệ là: văn hóa, tuổi tác, môi trường sinh sống, và sự khác nhau về tâm sinh lý và cách hành xử của mỗi thế hệ.
Vậy, làm thế nào để dung hoà các thế hệ trong gia đình?
Không áp đặt suy nghĩ cho đối phương
Trong xã hội phương Đông, việc cha mẹ áp đặt quan điểm và bắt buộc con cái phải làm theo không còn là điều xa lạ. Điều này tạo nên phản ứng kháng cự trong con trẻ. Cha mẹ không hiểu tại sao con cái không làm theo ý mình. Bọn trẻ thì không muốn làm theo những điều chúng bị ép phải làm mà không hiểu nguyên do.
Thay vì mặc nhiên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, các bậc cha mẹ cần nhìn vào sự phát triển của xã hội để chấp nhận những sự khác biệt trong lối sống và cách suy nghĩ của hai thế hệ. Thay vì ép buộc con cái phải làm theo ý mình, cha mẹ nên trò chuyện về quan điểm của mình, và lắng nghe suy nghĩ của những đứa con.
Ngược lại, từ vị trí của những đứa con, chúng ta nên dành thời gian lắng nghe và bày tỏ những khúc mắc trong lòng cho bố mẹ. Đôi khi chúng ta cũng cần tìm hiểu bản chất của khác biệt thế hệ để lý giải hành động của các bậc phụ huynh. Từ đó, cả hai bên tìm được tiếng nói chung cho mình.
Không so sánh
Việc so sánh từ lâu đã là một “đặc sản” trong các câu chuyện gia đình. Không chỉ cha mẹ so sánh con mình với những “con nhà người ta”, mà cả những đứa con cũng so sánh cha mẹ mình với “bố mẹ của bạn”. Tại sao con nhà người ta làm được thế này, còn con thì không? Tại sao bố mẹ bạn cho phép bạn làm điều này, còn con thì không được?
Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, tạo nên những nếp sống và thói quen khác nhau. Tư chất của mỗi người mỗi khác, không thể có một tiêu chuẩn “con nhà người ta” nhất định nào phù hợp để so sánh với con mình.
Muốn có được một mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, chúng ta phải học cách thấu hiểu. Thay vì chỉ trích và đòi hỏi theo một tiêu chuẩn nào đó, khích lệ và động viên sẽ là cách tốt nhất để mỗi thành viên cùng phát triển và bồi đắp tình cảm với nhau.
Chân thành
Có ai trong đời mà chưa từng nói dối? Trong gia đình đôi khi cũng không thể tránh khỏi. Mỗi người đều có cái tôi riêng, đôi lúc chúng ta sợ sai, sợ thất bại, con cái sợ làm cho bố mẹ thất vọng, bố mẹ sợ mất đi sự tôn trọng từ phía con cái.
Tuy nhiên, chỉ có trao đi sự chân thành mới nhận lại được những điều tốt đẹp. Nếu có lỗi lầm gì đó, thay vì né tránh, hãy thành thật chia sẻ với các thành viên trong gia đình để nhận được những lời khuyên và cùng nhau giải quyết.
Có một câu mà mình rất thích: “Khi cả thế giới quay lưng lại với bạn, gia đình vẫn sẽ ở bên bạn”. Đôi khi cuộc sống bon chen mệt mỏi khiến bạn phải giả trang, phải giấu đi cá tính thật. Thì ít nhất khi trở về với gia đình, bạn có thể trút bỏ lớp áo đó ra. Vì dù bạn là ai, gia đình cũng sẽ chấp nhận bạn.
Kết luận
Khoảng cách thế hệ và mâu thuẫn gia đình là điều không thể tránh khỏi. Việc nhận thức được hệ quả và tác hại của nó sẽ giúp các gia đình có biện pháp rút ngắn khoảng cách và dung hoà các thế hệ.
Nếu thế giới bên ngoài đã quá khó khăn và mệt mỏi, việc giữ lửa gia đình sẽ giúp các thành viên trong tìm được động lực, mục tiêu để phát triển trong xã hội. Đặc biệt, họ sẽ luôn có một mái ấm trong tim để luôn muốn trở về.
Nguồn tha khảo :
- https://vietcetera.com/vn/bi-quyet-dung-hoa-cac-the-he-trong-gia-dinh