Cùng với sự phát triển “thần tốc” của mạng xã hội, gần đây đã xuất hiện một tình trạng đáng lo ngại mới chính là bắt nạt qua mạng.
Hình thức bắt nạt này có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của nạn nhân, đặc biệt là với thanh thiếu niên, trẻ em, học sinh.
Bắt nạt qua mạng – Thực trạng báo động
Bắt nạt qua mạng (cyberbullying) hay còn gọi là bắt nạt trực tuyến là hình thức đe dọa, chửi bới, xúc phạm người khác thông qua mạng internet. Hiện tượng này có thể xuất hiện dưới các hình thức khác nhau như bài viết, dòng trạng thái cá nhân, hình ảnh, video hay bình luận, tin nhắn… có nội dung tiêu cực nhằm công kích hay chế nhạo một đối tượng nào đó.
Theo KidsHealth, đây là một vấn đề khó kiểm soát và khó theo dõi do kẻ bắt nạt có thể dùng các tài khoản ảo để ẩn danh. Ngoài ra, bản thân người bị hại cũng không biết có bao nhiêu người đã xem các tin nhắn hoặc bài đăng tiêu cực về mình. Hơn nữa, bắt nạt hay quấy rối trực tuyến tương đối dễ dàng thực hiện hơn các hành vi bắt nạt khác vì kẻ bắt nạt không phải đối đầu trực tiếp với mục tiêu của mình.
Tổn thương đến sức khỏe tâm lý
Bắt nạt qua mạng cũng giống như các loại bắt nạt khác, có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng kéo dài cho nạn nhân.
Sự căng thẳng, trạng thái buồn bã hoặc sợ hãi mà nạn nhân gánh chịu có thể dẫn đến các triệu chứng về thể chất như chán ăn hoặc ăn quá mức, mệt mỏi, mất ngủ, dễ hoảng sợ, giật mình… Nếu đối tượng vốn đã mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu trước đó, việc bị đe doạ qua mạng có thể khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn rất nhiều.
Một nghiên cứu gần đây ở thanh thiếu niên cho thấy cả đối tượng bị bắt nạt và người bắt nạt qua mạng đều có thể liên quan đến “rối loạn stress sau chấn thương tâm lý”, theo đó, dù sự kiện xấu đã kết thúc một thời gian, người bệnh vẫn sẽ luôn suy nghĩ hay hồi tưởng về nó, khiến cho tình trạng căng thẳng sợ hãi càng thêm trầm trọng.
Đối phó với bắt nạt qua mạng
Trên thực tế, dù vấn đề này thường xảy ra nhiều hơn ở thanh thiếu niên do tần suất sử dụng mạng xã hội ở nhóm tuổi này khá cao, tuy nhiên, không có nghĩa là các nhóm tuổi lớn hơn sẽ không gặp phải.
Theo KidsHealth, một số biện pháp để đối phó với tình trạng này là:
Nói với ai đó
Đặc biệt ở đối tượng trẻ vị thành niên, điều đầu tiên cần làm là nói với người lớn hoặc một người mà bạn tin tưởng. Việc này có thể hơi khó khăn vì những nạn nhân trẻ tuổi có thể cảm thấy xấu hổ hoặc vì không biết chắc chắn ai đang thực hiện hành vi bắt nạt mình.
Nhưng việc bắt nạt có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn mãi giữ im lặng, vì vậy hãy lên tiếng cho đến khi tìm được ai đó có thể giúp đỡ bạn vượt qua.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên thường xuyên quan tâm đến con trẻ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường về tâm lý, hãy gợi mở để trẻ chia sẻ những khó khăn. Việc kiểm soát các thiết bị truy cập mạng của trẻ trong lứa tuổi vị thành niên là cần thiết, song các ba mẹ cũng không nên quá khắt khe để tránh khiến trẻ cảm thấy bị mất đi tự do cá nhân.
Tạm tránh xa mạng xã hội
Nếu nhìn thấy quá nhiều thứ khó chịu trên mạng, hãy cố gắng rời khỏi máy tính hoặc tắt điện thoại một lúc. Đừng cố gắng đáp trả. Thay vào đó, bạn có thể làm những việc yêu thích như chơi guitar, chạy bộ hoặc đọc sách để đánh lạc hướng bản thân. Bạn cũng nên chuyển sang trò chuyện với ba mẹ, anh chị em, bạn bè hoặc chơi với thú cưng. Việc nghỉ ngơi sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh, giữ đầu óc thư giãn và tỉnh táo để tìm ra cách xử lý mọi việc.
Đáp trả lại kẻ bắt nạt trong khi chúng ta đang buồn và hoang mang có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn. Vì vậy, hãy tận dụng nút “chặn” trên các trang mạng xã hội bất kì khi nào bạn thấy ai đó hành xử quá mức với mình. Ngoài ra, nên lưu bằng chứng về sự bắt nạt, chúng sẽ hữu ích trong trường hợp bạn quyết định khởi kiện.
Cân nhắc khi chia sẻ thông tin cá nhân
Bạn cũng nên suy nghĩ thật kỹ trước khi chia sẻ thông tin cá nhân, ảnh hay video lên các trang mạng xã hội. Hãy cân nhắc việc giới hạn đối tượng xem được bài viết của mình. Kẻ bắt nạt có thể dùng những thông tin bạn chia sẻ để chống lại bạn hay dùng chúng với mục đích xuyên tạc, bôi nhọ và quấy rối.
Hocala
Nguồn tham khảo :
- https://medihub.vn/bai-viet/cach-doi-pho-tu-bao-ve-ban-than-khi-bi-bat-nat-qua-mang/
- Unicef