Do chưa có kinh nghiệm, nhiều tân sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và thuê phòng trọ. Thậm chí có trường hợp bị lừa mất trắng tiền nhà và bị tăng giá không theo hợp đồng.
Chính vì vậy khi thuê nhà trọ, sinh viên cần lưu ý về: Môi giới, nội dung hợp đồng thuê trọ, tiền đặt cọc, kiểm tra đồ đạc trong phòng.
Cẩn trọng trước “cò mồi” cho thuê phòng trọ
Hiện nay phần lớn các thông tin cho thuê phòng trọ được môi giới đăng tải trên mạng xã hội. Hỏi môi giới là một ý tưởng không tồi, nhưng tân sinh viên phải cực kỳ chú ý để không bị lừa.
Sinh viên cần thương lượng ngay từ đầu chi phí môi giới và không đưa bất cứ một khoản tiền lớn nào bao gồm tiền thuê nhà, tiền đặt cọc cho bên môi giới. Thương lượng rõ ngay từ đầu chi phí môi giới, không cọc tạm cho môi giới để giữ chỗ rồi mới đến xem. Các trường hợp này có thể sẽ lấy tiền cọc của sinh viên và biến mất.
Kiểm tra kỹ nội dung hợp đồng
Khi tìm được phòng trọ như ý rồi, đừng vội vàng ký luôn vào bản hợp đồng thuê nhà. Hãy đọc kỹ và chú ý những yếu tố sau:
– Thời hạn tăng giá điện nước hoặc giá phòng: Nhiều chủ nhà vì lợi ích kinh doanh ban đầu vì muốn có sinh viên đến thuê nên cho giá phòng thật rẻ. Nhưng sau đó một thời gian ngắn đã tăng giá phòng hoặc giá điện nước lên.
+ Cam kết được trả lại tiền cọc: Thông thường, chủ nhà sẽ buộc sinh viên phải đóng cọc ít nhất 1 tháng tiền nhà với lý do “chẳng may sinh viên đột ngột chuyển đi mà không thanh toán tiền điện nước tháng trước cho chủ nhà”. Lý do này tương đối hợp lý đối với chủ phòng trọ. Tuy nhiên, trong bản hợp đồng cần thỏa thuận rõ, khi sinh viên không thuê nhà trọ nữa thì số tiền cọc sẽ được trả lại đầy đủ.
+ Giá các dịch vụ sử dụng hàng ngày: Tiền điện nước, tiền mạng được quy định rõ trong bao nhiêu tháng và không thay đổi trong vòng bao nhiêu tháng.
Kiểm tra đồ đạc chủ nhà bàn giao trước khi nhận phòng
Những đồ đạc có sẵn trong phòng trọ, nhất là trường hợp thuê phòng có đồ đạc cơ bản nên kiểm tra lại chất lượng và hiện trạng của những vật dụng giá trị, đồ điện tử có trong phòng như: Điều hòa, bình nóng lạnh, các thiết bị trong nhà vệ sinh.
Nếu có vấn đề phải thương lượng ngay với chủ nhà, tránh trường hợp một thời gian sau chủ nhà bắt đền tiền.
Gõ địa chỉ phòng trọ lên mạng xã hội xem có từng bị “bóc phốt”
Trên mạng ngày nay có nhiều trang web, hội nhóm cho đăng tên những địa chỉ cho thuê phòng trọ bất lương để cảnh báo cho mọi người cùng biết. Tân sinh viên có thể tham khảo thông tin để tránh bị lừa.
Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng nhận diện địa chỉ lừa đảo cho thuê phòng trọ mà không cần phải xuống tận nơi dò hỏi.
Nguồn tham khảo :
- https://laodong.vn/bat-dong-san/5-luu-y-khi-sinh-vien-di-thue-phong-tro-de-khong-bi-lua-dao-1229607.ldo