Đánh răng kỹ, cạo lưỡi thường xuyên, tránh ăn thực phẩm gây mùi buổi tối và khám nha khoa định kỳ có thể giảm mùi hôi miệng buổi sáng.
Mùi hôi miệng buổi sáng là kết quả của quá trình vi khuẩn trong miệng tiêu hóa các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trên răng, nướu và lưỡi. Tình trạng này kéo dài hình thành mảng bám và theo thời gian, mùi hôi nhiều hơn.
Vào ban ngày, miệng liên tục tiết ra nước bọt để rửa trôi mảnh vụn thức ăn thừa, giúp hơi thở sạch sẽ và thơm mát. Tuy nhiên, quá trình trao đổi chất của cơ thể trong khi ngủ chậm lại, ít sản xuất nước bọt. Lượng nước bọt giảm gây khô miệng dẫn đến hơi thở có mùi. Thở bằng miệng khi ngủ, hút thuốc và uống rượu cũng là nguyên nhân khiến miệng khô.
Ngoài đánh răng kỹ, một số cách khác có thể khắc phục hơi thở có mùi vào buổi sáng, giữ cho miệng thơm tho.
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa vào ban đêm
Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyến khích đánh răng tối thiểu trong hai phút, hai ngày mỗi lần, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Ưu tiên bàn chải điện để làm sạch các bề mặt răng tốt hơn. Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày sau các bữa ăn có thể tránh được mùi hôi miệng. Dùng chỉ nha khoa trước khi đi ngủ còn giúp miệng sạch sẽ trước khi đi ngủ.
Dùng dụng cụ cạo lưỡi
Nhiều người thường quên hoặc bỏ qua vệ sinh bề mặt lưỡi. Bộ phận này cũng là nơi sản sinh nhiều vi khuẩn, mảnh thức ăn và tế bào chết. Khi không được làm sạch, những yếu tố này có thể dẫn đến hơi thở có mùi hôi do vi khuẩn. Song song với đánh răng, mọi người chải lưỡi thường xuyên bằng dụng cụ chuyên dụng trước khi đi ngủ. Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn để tránh làm khô miệng – yếu tố nguy cơ hôi miệng.
Tránh một số loại thực phẩm
Hành, tỏi mang lại hương vị thơm ngon cho bữa ăn nhưng chúng cũng có xu hướng ảnh hưởng lâu dài đến mùi hơi thở. Để ngăn hôi miệng buổi sáng, hãy cân nhắc tránh những loại thực phẩm này vào bữa tối.
Điều trị các bệnh lý liên quan
Một số tình trạng bệnh lý có thể thúc đẩy hơi thở có mùi khó chịu vào buổi sáng nặng hơn. Chúng bao gồm ngưng thở khi ngủ (ngủ há miệng hoặc ngáy khiến miệng khô), trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Người mắc những bệnh này nên đi khám chuyên khoa để điều trị sớm.
Khám nha khoa định kỳ
Thường xuyên đi khám nha khoa ít nhất hai lần mỗi năm để làm sạch cao răng và mảng bám gây mùi. Nha sĩ, bác sĩ có thể phát hiện các bệnh về nướu, sâu răng, nhiễm trùng, mất xương liên quan đến viêm nướu. Đây đều là những yếu tố chính gây ra hôi miệng và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Nguồn tham khảo : https://vnexpress.net/5-cach-ngan-mui-hoi-tho-buoi-sang-4786394.html