Người bị hạ đường huyết nên ăn ngay 15 g carbohydrat tác dụng nhanh, đo lại đường huyết sau 15 phút, nếu dưới 100 mg/dl thì dùng thêm carb đến khi ổn định.
Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ, người bệnh tiểu đường dùng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường có nguy cơ hạ đường huyết. Đường huyết xuống quá thấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như co giật, mất ý thức.
Người bệnh tiểu đường có thể hạ đường huyết mà không có triệu chứng xuất hiện nhanh chóng. Các triệu chứng này khác nhau ở mỗi người, thường là cảm thấy run rẩy hoặc bồn chồn, đổ nhiều mồ hôi, rất đói, đau đầu hoặc choáng váng, da nhợt nhạt. Người bệnh cũng có thể khó tập trung, tim đập nhanh, trở nên cáu kỉnh, mờ mắt, nhìn đôi, ngứa ran, tê ở tứ chi. Dưới đây là các bước xử trí.
Kiểm tra đường huyết
Khi nhận ra các triệu chứng trên và nghi ngờ lượng đường trong máu quá thấp, bạn cần kiểm đường huyết ngay. Nếu chỉ số dưới 70 mg/dl là hạ đường huyết.
Ăn hoặc uống carbohydrate tác dụng nhanh
Dùng khoảng 15 g carbohydrate (carb) tác dụng nhanh, với các lựa chọn như 120 ml nước cam hoặc soda (không phải loại dành cho người ăn kiêng); một muỗng canh nước đường, mật ong hoặc sirô; 5-6 viên kẹo cứng, kẹo dẻo hoặc kẹo cao su; hai thìa nho khô; 120 ml nước sốt táo. Người bệnh có thể uống 3-4 viên hay một ống gel glucose (đường).
Nên mang theo dụng cụ đo đường huyết và carbohydrate tác dụng nhanh bên mình để dùng khi đường huyết quá giảm. Lượng đường trong máu thấp kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não không thể phục hồi.
Kiểm tra lại đường huyết
Sau khi ăn carb, bạn đợi 15 phút rồi kiểm tra lại lượng đường trong máu. Nếu đạt 100 mg/dl hoặc cao hơn thì đường huyết ổn định trở lại. Trường hợp vẫn thấp, người bệnh ăn thêm 15 g carb, lặp lại các bước này cho đến khi lượng đường trong máu ổn định.
Người bệnh ăn một ít protein để giữ chỉ số ở mức bình thường. Các lựa chọn protein như một ít đậu phộng sấy (rang chín), một ít bơ đậu phộng hoặc pho mát, 1-2 lát bánh mì sandwich với giăm bông hay thịt gà.
Nếu khó hạ lượng đường trong máu, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để điều trị. Người bệnh tiểu đường có thể hướng dẫn người thân cách xử trí khi hạ đường huyết phòng trường hợp không thể thực hiện được do các triệu chứng quá nặng.
Người thường xuyên giảm lượng đường trong máu có thể thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc trị tiểu đường theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thực hiện.
Nguồn tham khảo :
1. https://vnexpress.net/xu-tri-the-nao-khi-ha-duong-huyet-4665515.html