Thưa bác sĩ, cháu tôi có triệu chứng kích động, nghi bị dại sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn. Trong lúc chăm sóc, mẹ cháu cũng bị cháu cắn, liệu chị có bị lây dại và cần đi tiêm phòng không?
Trả lời:
Về lý thuyết, người bệnh dại cắn người khác tạo thành vết thương chảy máu, có thể làm lây lan mầm bệnh. Lý do là virus gây bệnh có trong nước bọt, có thể theo vết thương hở tấn công vào dây thần kinh và hệ thần kinh. Do đó, trường hợp người mẹ nói trên nên xử lý vết thương và tiêm chủng sớm.
Quy trình xử lý vết thương và lịch chủng ngừa tương tự khi bị động vật cắn. Người mẹ cần rửa sạch vết thương với xà phòng dưới vòi nước trong vòng 15 phút, sau đó khử khuẩn bằng cồn 70% hoặc cồn iốt.
Còn số mũi tiêm chủng phụ thuộc vào lịch sử chích ngừa của người mẹ. Nếu chưa từng chủng ngừa, người mẹ cần hoàn thành 5 mũi tiêm bắp vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 hoặc 8 mũi tiêm trong da vào các ngày 0, 3, 7, 28 (mỗi lần hai mũi). Trường hợp có nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, cổ, các đầu chi hoặc nơi tập trung nhiều thần kinh, có thể dùng thêm huyết thanh kháng dại theo phân độ trong hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bệnh dại do virus dại (Rabies virus) gây ra, tỷ lệ tử vong gần 100% khi khởi phát. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, ước tính Việt Nam có khoảng 70-110 người tử vong do dại mỗi năm.
Hiện dại không có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine sẽ không còn tác dụng với người đã phát bệnh. Do vậy, một số nhóm đối tượng nguy cơ cao nên ưu tiên tiêm ngừa trước để dự phòng, gồm: trẻ em thường xuyên chơi với chó, mèo, những người canh giữ rừng phòng hộ, nhân viên thú y, những người đi du lịch ở nơi khó tiếp cận vaccine dại và huyết thanh sẵn…
Người chăm sóc cần mang găng tay khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh, cách ly khi có biểu hiện kích động, cào cắn người khác và báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, hỗ trợ, đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Nguồn tham khảo :
- https://vnexpress.net/xu-tri-the-nao-khi-bi-nguoi-benh-dai-can-4698559.html