Báo Mainichi (Nhật Bản) nêu một vài kinh nghiệm ứng phó khi có cảnh báo sóng thần cho du khách đi du lịch biển từ đất nước mặt trời mọc – một quốc gia có nhiều điều đáng học hỏi trong ứng phó với thiên tai và đặc biệt là sóng thần.
Khi trận động đất mạnh 7,2 độ xảy ra ở Đài Loan hôm 3-4, cảnh báo sóng thần đã được ban bố tại một số đảo ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản.
Theo báo Mainichi ngày 6-4, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) khuyến cáo cần tiếp tục thận trọng trong một tuần tiếp theo kể từ trận động đất ngày 3-4 vì không loại trừ khả năng các trận động đất sau đó sẽ gây ra sóng thần.
Vì vậy, du khách đến các bờ biển của Nhật Bản trong mùa hè này được khuyến cáo nên xem lại những biện pháp ứng phó và cảnh báo sóng thần.
Vào ngày xảy ra động đất ở Đài Loan, cảnh báo sóng thần cao hơn 3m được ban bố ở bãi biển Bibibeach ở TP Itoman, tỉnh Okinawa.
Khoảng hơn một chục du khách trên bờ biển lúc đó đã được yêu cầu di tản thông qua hệ thống loa thông báo và dưới sự hướng dẫn của các nhân viên cứu hộ. Trong khoảng 10 phút, tất cả du khách đã được sơ tán đến một khách sạn cao 10 tầng gần đó.
Theo hướng dẫn của chính quyền tỉnh Okinawa, trước khi sóng thần ập đến, nếu có thể, người dân cần di tản đến vùng đất cao hơn, các khu trú ẩn hoặc các tòa nhà cao ít nhất 5m so với mực nước biển bên ngoài vùng có nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên ban quản lý các bãi biển cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể.
Để cảnh báo những người khiếm thính, người đang bơi hoặc đeo nút bịt tai, các nhân viên cứu hộ Nhật Bản sẽ vẫy những lá cờ có hoa văn đỏ trắng, được gọi là “cờ sóng thần”.
JMA và các tổ chức tại Nhật Bản giới thiệu lá cờ này vào năm 2020, tuy nhiên một số người vẫn chưa nhận biết được lá cờ khi nó được vẫy ở Itoman lần này. Mainichi cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của lá cờ này.
Một điều cần chú ý là khi sơ tán khỏi các bãi biển vào mùa hè với đôi chân trần, du khách rất có thể bị bỏng do nhựa đường hoặc trầy xước gây nhiễm trùng. Do đó nếu đủ thời gian, mọi người nên đi dép xăng đan và mặc thêm quần áo để che chắn làn da càng nhiều càng tốt.
Cuối cùng, theo phó ban thư ký Hiệp hội cứu hộ Nhật Bản (JLA) Yojiro Sato, mọi người nên chủ động di chuyển theo nhân viên cứu hộ am hiểu về các biện pháp ứng phó với thiên tai tại khu vực.
Nguồn tham khảo :
- https://tuoitre.vn/kinh-nghiem-tu-nhat-di-bien-gap-canh-bao-song-than-can-lam-gi-20240406110014661.htm