Ngộ độc thực phẩm là bệnh gây ra do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn hoặc thực phẩm có chứa các chất có tính độc hại đối với người ăn.
Tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm có thể là vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng), độc tố của vi khuẩn, chất độc hóa học, chất độc tự nhiên sẵn có trong thực phẩm hay do thức ăn bị biến chất.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào tác nhân gây độc, liều lượng nhiễm độc và cơ quan của cơ thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do đường tiêu hóa là nơi đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh, chất độc có trong thức ăn, nước uống nên biểu hiện trước tiên của ngộ độc thực phẩm thường là hội chứng dạ dày ruột như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Sau đó, tùy tác nhân gây bệnh tác động lên các cơ quan nào của cơ thể thì sẽ gây các triệu chứng đặc trưng của bệnh.
Riêng đối vi khuẩn Clostridium botulium gây ngộ độc botulinum sẽ có các triệu chứng của hội chứng dạ dày – ruột và thần kinh như: nôn, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, liệt cơ mắt, liệt cơ vận động nhãn cầu gây lác mắt… Ngoài ra còn dấu hiện nhìn đôi, liệt màng hầu, co thắt họng gây nghẹn, sặc, nhai nuốt khó, liệt cơ thanh quản gây nói khan, nói nhỏ không thành tiếng.
Trường hợp nặng diễn tiến liệt cơ hô hấp gây khó thở dẫn đến tử vong nếu không được điều trị bằng chất đối kháng kịp thời.
Xử trí nhanh ngộ độc thực phẩm
Chẳng may khi trong nhà có người bị ngộ độc thực phẩm, trước tiên ngưng ngay việc tiêu thụ thức ăn, nước uống nghi ngờ gây ra ngộ độc thực phẩm. Nên giữ lại thức ăn này (nếu có thể), để phục vụ cho việc xác định tác nhân gây ngộ độc.
Cố gắng nôn ra càng nhiều càng tốt thức ăn đã ăn nghi ngờ có độc, lưu ý không áp dụng cho người có dấu hiệu mê sảng, hôn mê.
Nếu người bệnh có dấu hiệu mất nước do nôn, tiêu chảy nhiều thì người nhà có thể pha dung dịch muối – đường (theo tỉ lệ 1 thìa muối, 2 thìa đường và 1 lít nước đun sôi để nguội) cho người bệnh uống để tạm thời bù nước, điện giải bị mất.
Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh, thức ăn nghi ngờ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, xác định nguyên nhân và điều trị bệnh. Không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy.
TS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM
Nguồn tham khảo:
- https://plo.vn/xu-tri-nhanh-ngo-doc-thuc-pham-post774803.html