Trẻ bước vào tuổi vị thành niên thường thay đổi lớn về tâm sinh lý và đôi khi cha mẹ mất liên kết với con.
Đối với cha mẹ, điều này khiến việc nuôi dạy con cái trở nên phức tạp, đặc biệt là vì thanh thiếu niên bắt đầu đưa ra quyết định về những thứ có hậu quả thực sự, như trường học, bạn bè và thậm chí việc lái xe, đó là chưa kể đến vấn đề sử dụng chất gây nghiện và tình dục.
Vấn đề là ở tuổi này, trẻ chưa giỏi trong việc điều chỉnh cảm xúc nên có xu hướng chấp nhận rủi ro và đưa ra những quyết định bốc đồng.
Việc có được mối quan hệ cha mẹ và con cái lành mạnh trong những năm thiếu niên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ở gần con và duy trì mối liên hệ với con không phải là điều dễ dàng.
Thanh thiếu niên thường không mấy nhã nhặn khi từ chối những gì chúng cho là sự can thiệp quá mức của cha mẹ, trong khi chúng quá cởi mở với bạn bè, những người mà chúng thường xuyên nói chuyện qua mạng xã hội. Còn đối với cha mẹ, một yêu cầu có vẻ hợp lý cũng có thể bị coi là một sự xúc phạm nặng nề.
Nếu bạn đang rơi vào tình cảnh này, hãy hít một hơi thật sâu và nhắc nhở bản thân rằng con đang trải qua tuổi thiếu niên vô cùng khó khăn. Nhưng giai đoạn nay sẽ qua và công việc làm cha mẹ vẫn cực kỳ quan trọng.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn điều hướng cảm xúc của mình trước những phản ứng khó chịu của con.
Lắng nghe
Nếu bạn tò mò về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con, việc đặt câu hỏi trực tiếp có thể không hiệu quả bằng việc chỉ ngồi lại và lắng nghe.
Trẻ có nhiều khả năng cởi mở hơn với cha mẹ nếu chúng không cảm thấy bị áp lực phải chia sẻ thông tin. Hãy nhớ rằng ngay cả một nhận xét thẳng thắn về điều gì đó đã xảy ra trong ngày cũng khiến trẻ trở nên nhạy cảm. Tuy nhiên, bạn có thể nghe được nhiều hơn nếu bạn cởi mở và quan tâm, nhưng không tò mò.
Xác thực cảm xúc của con
Người lớn thường có xu hướng cố gắng giải quyết vấn đề cho con hoặc giảm bớt sự thất vọng của con. Nhưng cách nói “Dù sao thì điều đó cũng không phù hợp với con” sau khi con trải qua những biến cố trong chuyện tình cảm sẽ chỉ khiến con cảm thấy khó chịu.
Thay vào đó, hãy cho con thấy rằng bạn hiểu và đồng cảm bằng cách phản ánh lại cảm xúc của chúng, ví dụ: “Ồ, điều đó/chuyện đó nghe có vẻ khó khăn nhỉ”.
Thể hiện sự tin tưởng
Thanh thiếu niên muốn được coi trọng, đặc biệt là bởi cha mẹ của mình. Hãy tìm cách để chứng tỏ bạn tin tưởng con. Ví dụ, yêu cầu con giúp đỡ cũng cho thấy bạn đang tin cậy vào con.
Việc cho con biết bạn đặt niềm tin vào con sẽ nâng cao sự tự tin của con và khiến con có khả năng nắm bắt được nhiều cơ hội hơn.
Hãy khen ngợi con
Cha mẹ có xu hướng khen ngợi con cái nhiều hơn khi chúng còn nhỏ, nhưng thanh thiếu niên cũng cần được nâng cao lòng tự trọng. Lứa tuổi này có thể hành động như thể mình quá ngầu chỉ để được cha mẹ quan tâm. Vì vậy, thường xuyên khích lệ là cách cư xử tốt cho mối quan hệ với con, đặc biệt là khi bạn cảm thấy căng thẳng.
Kiểm soát cảm xúc
Bạn rất dễ nổi nóng khi con tỏ ra thô lỗ, nhưng đừng để lộ ra điều đó. Hãy nhớ rằng bạn là người lớn và bạn cần làm gương về khả năng kiểm soát cảm xúc hoặc suy nghĩ logic khi buồn bã, cáu giận.
Đếm đến mười hoặc hít thở sâu trước khi trả lời con. Nếu cả hai đều quá khó chịu để nói chuyện, hãy tạm dừng cho đến khi bạn có cơ hội bình tĩnh lại.
Làm mọi việc cùng nhau
Trò chuyện không phải là cách duy nhất để giao tiếp với con, trong giai đoạn tuổi teen, thật tuyệt nếu bạn có thể dành thời gian làm những việc mà con cũng thích, cho dù đó là nấu ăn, đi bộ đường dài hay đi xem phim mà không nói về bất cứ điều gì mang tính cá nhân.
Điều quan trọng là con phải biết rằng chúng có thể ở gần bạn và chia sẻ những trải nghiệm tích cực mà không lo lắng bạn sẽ đưa ra những câu hỏi khó chịu.
Dùng bữa cùng nhau như một gia đình là cách tuyệt vời để gần gũi với con. Những đứa trẻ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cha mẹ về những chủ đề đơn giản hàng ngày sẽ trở nên cởi mở khi gặp những vấn đề khó khăn hơn. Một quy tắc khi nói chuyện với nhau là không được phép sử dụng điện thoại.
Hãy quan sát
Việc trẻ trải qua một số thay đổi khi trưởng thành là điều bình thường, nhưng hãy chú ý nếu bạn nhận thấy những thay đổi về tâm trạng, hành vi, mức năng lượng hoặc cảm giác thèm ăn của con.
Tương tự như vậy, hãy lưu ý xem con có ngừng muốn làm những việc từng khiến con hạnh phúc hay không, hoặc bạn nhận thấy con đang tự cô lập bản thân. Nếu bạn phát hiện sự thay đổi trong khả năng hoạt động hàng ngày của con, hãy hỏi chúng về điều đó và ủng hộ (không phán xét). Con có thể đang cần sự giúp đỡ của bạn và đó cũng là dấu hiệu con cần nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Nguồn tham khảo :
- https://giaoducthoidai.vn/7-cach-giup-cha-me-gan-gui-con-tuoi-teen-post687359.html